Niềm tin của bản thân là động lực vô giá khi bạn học IELTS
(Chia sẻ của một người thầy có một học sinh đặc biệt)
Cách đây 3 tuần, tôi dạy một bạn học viên mới đang học IELTS, với quyết tâm sắt đá rằng em phải học thật giỏi để báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ. Nhưng chắc ba mẹ em buồn lắm khi biết tin con gái mình học tới tuần thứ 2 thì khăng khăng nói rằng em không thể nào tiếp thu được tiếng Anh, cụ thể là từ vựng, và đời này chắc em toi quá. Tôi lại mỉm cười độ lượng, và nói với em về khái niệm “niềm tin nội tâm”.
Trong cuộc đời, dù bạn mới chỉ 18, 20, hay đã ở ngưỡng ngấp nghé cầm cuốn sổ hưu, mọi trải nghiệm và cảm giác của bạn đều mang tính tương đối. Nó không có đen hẳn hay trắng hẳn, mà chỉ có xám hoặc lờ nhờ ở giữa.
Một người thấy học tiếng Anh dễ ẹc, vì bản thân họ có niềm tin, họ nghĩ mình đủ năng lực, và quan trọng hơn là họ dùng mọi cách để đạt được nó. Một người khác cũng vẫn là học tiếng Anh, nhưng bữa đực bữa cái, có bữa còn không xác định giới tính, rồi ngủ khì với niềm tin và hy vọng trong giấc mơ từ mới sẽ tự nhảy vào đầu. Niềm tin nội tâm ban đầu khác nhau, dĩ nhiên kết quả nhận về sẽ khác nhau.
Xem thêm: Không chỉ là ngôn ngữ, Tiếng Anh là kỹ năng sinh tồn
Tôi nói rằng, việc em không học được từ mới, hoặc học không thuộc, đó là do em nghĩ vậy, không phải bản chất là như thế.
Nếu em muốn và em có niềm tin vào bản thân, em sẽ vẫn có cách để làm. Nếu em không muốn, sẽ có hàng tỉ lí do ngoài kia cho em yên tâm say giấc. Vấn đề là em muốn cải thiện tình trạng lẹt đẹt của mình tới mức nào. Nếu biết rằng em chỉ còn 1 năm nữa để học, liệu em có cố gắng bằng việc chỉ 2 tuần nữa là thi hay không? Không ép bản thân vào đường cùng, thì mãi chỉ là cái bóng trên tường mà thôi.
Trong quá trình dạy học này, tôi nhận ra vấn đề lớn nhất của học viên, đó là niềm tin vào bản thân.
Hầu như mọi người rất mơ hồ với bản thân mình, dù sáng nào cũng đứng lên cân xem cân hơi là mấy chục kí, và tối ngủ đắp kín chân vì sợ thân thể ngọc ngà giá lạnh. Nhưng ít người có niềm tin mình sẽ thành công vượt bậc, vì họ luôn nghĩ rằng đời mình cũng chỉ vậy, cố kiểu gì từ 1 thành 10 điểm được. Riêng điểm này thì tôi công nhận, từ 1 lên 10 là câu chuyện dài, nhưng từ 1 lên 8 thì câu chuyện không dài tới vậy. 2 điểm còn lại chỉ nằm ở niềm tin mà thôi.
Nhà văn tôi thích Murakami có nói thế này: “Ai viết được tiểu thuyết chắc chắn phải có tài năng. Nhưng viết được nhiều cuốn trong thời gian dài, nhất định phải có năng lực đặc biệt”. Duy trì được một thành quả trong thời gian dài, không ngừng nghỉ, chẳng khác gì cuộc chạy ma-ra-tông 42 km, cực kì mệt mỏi và vắt kiệt sức lực. Nhưng trở ngại lớn nhất của cuộc đua khốc liệt này nó nằm ở ý chí. Bạn không tin mình chinh phục nổi 42 km, thì kể có đạp xe, bạn vẫn muốn dừng lại ở ngay kilomet thứ 2.
Xem thêm: Top 5 trung tâm học IELTS nổi tiếng nhất ở Đà Nẵng
Trong điền kinh, một niềm tin nội tâm kinh điển là chặng đường chạy 1 dặm (tầm 1,6 km) dưới 4 phút. Ban đầu, các nhà khoa học “gáy” rất to rằng, giới hạn của con người không thể chạy dưới 4 phút cho chặng đường này. Tới năm 1953, Roger Bannister, chàng trai đẹp trai chân dài người Anh, đã chứng minh rằng các nhà khoa học nói đúng, khi mặc dù tuyên bố hùng hồn “các anh đi ra để em phá vỡ kỉ lục dưới 4 phút”, nhưng anh thất bại ê chề. Nhưng là một sự thất bại cần thiết.
Tháng 5 năm 1954, Roger khiến cả nước Anh và cả thế giới há hốc mồm vì vượt qua “bức tường nội tâm” dưới 4 phút một cách đơn giản và không tưởng. Các nhà khoa học xin xóa bài đăng trên Facebook, ai lại về nhà nấy vì trót nói hớ.
Niềm tin nội tâm của cả thế giới, bị một chàng trai trẻ nghiền nát dưới bàn chân. Roger nói: “Những giây cuối cùng dường như kéo dài vô tận. Cái dải băng mờ nhạt chỉ đích đến căng trước mắt tôi trông như nơi trú ẩn của sự bình yên. Sau tất cả cố gắng, tôi nhào tới cái dải băng như một người tung bước nhảy vọt cuối cùng qua một vực thẳm đang chực chờ nuốt chửng.”
Ai rồi cũng phải giỏi tiếng Anh, chỉ có điều, thời gian đó là mấy năm mà thôi. 4 năm hay 40 năm, hoàn toàn do quyết định ngày hôm nay của bạn.
Cre: Le Quang Minh