Dùng Idioms trong IELTS Writing – nên hay không?

Thành ngữ (idioms) tồn tại trong gần như mọi ngôn ngữ và được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù Idioms xuất hiện với tần suất cao trong kỹ năng Speaking, nhưng lại không được khuyến khích trong kỹ năng Writing, cụ thể hơn là phần thi Academic Writing. Trong bài viết hôm nay, Anh ngữ UEC – địa chỉ học luyện thi IELTS uy tín tại Đà Nẵng sẽ phân tích rõ hơn khái niệm idioms và lý do tại sao không nên dùng Idioms trong IELTS Writing.

 
dung-idioms-trong-ielts-writing
Dùng Idioms trong IELTS Writing – nên hay không?

I. Idiom là gì?

Thành ngữ (idioms) là tập hợp từ cố định mà nghĩa của nó khác với nghĩa đen của từng từ trong cụm. Idioms thường có nguồn gốc từ các sự kiện lịch sử, văn hóa, xã hội. 

Hiểu được ý nghĩa và sử dụng thành thạo Idioms trong giao tiếp hàng ngày là yếu tố cần thiết để các bạn thực sự hiểu về không chỉ một ngôn ngữ mà còn văn hóa của đất nước sử dụng ngôn ngữ đó, đồng thời có đầy đủ khả năng để giao tiếp với người bản xứ, để hiểu các cuộc hội thoại giữa họ.

II. Ứng dụng Idioms trong ngôn ngữ nói

1. Thể hiện ý tưởng phức tạp một cách đơn giản hơn

Thành ngữ thường nguồn gốc từ một sự kiện lịch sử, một đặc điểm văn hóa, xã hội. Vì vậy, thành ngữ giúp chúng ta tóm tắt tình huống mà người nói muốn đề cập đến, nhắc người nghe nhớ đến một khái niệm đã trở thành đặc trưng, quen thuộc với mọi người. Nhờ vậy, nó giúp người nói diễn đạt một ý tưởng phức tạp hoặc trừu tượng một cách cô đọng và dễ hiểu hơn.

Ví dụ 1: Để nói về một tình huống, thường là sự kiện tiêu cực, xảy ra, khiến các sự kiện tương tự khác xảy ra, thay vì diễn đạt dài dòng bằng từ ngữ thông thường như “the situation in which something, usually something bad, happens, causing other similar events to happen”, chúng ta có thể sử dụng thành ngữ “the domino effect”.

  • The collapse of a bank could have a drastic domino effect on other financial institutions.
    (Sự sụp đổ của một ngân hàng có thể tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ đối với các tổ chức tài chính khác.)

Ví dụ 2: Để miêu tả một người năng động, vui tính và luôn là trung tâm của các cuộc vui, thay vì nói “That person is energetic and funny and always at the centre of activity during social occasions”, chỉ cần nói:

  • That person is the life and soul of the party.
    (Người ấy là linh hồn của bữa tiệc)
dung-idioms-trong-ielts-writing-1
Ý nghĩa của việc ứng dụng Idioms trong IELTS

2. Nhấn mạnh ý tưởng

Thành ngữ có thể giúp nhấn mạnh một đặc tính của con người, sự vật, hoặc hiện tượng thông qua so sánh nó với một người, sự vật, hiện tượng khác đặc trưng cho đặc tính đó. Đây là cách so sánh mang tính cường điệu hóa, giúp thu hút sự chú ý của người nghe vào điều người nói muốn làm nổi bật.

Ví dụ 1: Để nhấn mạnh thiết kế siêu mỏng nhẹ của chiếc máy tính xách tay mới mua, thay vì nói “This laptop is light”, có thể nói:

  • This laptop is as light as a feather. 
    (Cái laptop này nhẹ tựa lông hồng).

Ví dụ 2: Tương tự tiếng Việt có thành ngữ “nhanh như chớp”, tiếng Anh có thành ngữ “quick as lightning” để nhấn mạnh một người làm một việc với tốc độ rất nhanh.

  • Quick as lightning, Jane finished her homework and ran out of her house. 
    (Nhanh như chớp, Jane làm xong bài tập và chạy ra khỏi nhà).

3. Tạo sự hài hước cho câu nói

Ngoài ra, một số thành ngữ còn mang ý nghĩa hài hước hay châm biếm.

Ví dụ 1: Khi muốn đề cập đến một việc mà người nói nghĩ không thể có cơ hội xảy ra, ta có thể sử dụng idiom “pigs might fly” (lợn có thể bay).

  • A: I’ll become a billionaire by winning the lottery.
    (A: Tôi sẽ trở thành tỷ phú nhờ trúng số.)
    B: And pigs might fly!
    (B: Và lợn có thể bay!)

Ví dụ 2: Idiom “everything but the kitchen sink” (mọi thứ ngoại trừ cái bồn rửa) là một thành ngữ hài hước, có nghĩa là hầu như tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng về một cái gì đó.

  • Amazon is a commerce platform that has everything but the kitchen sink.
    (Amazon là một nền tảng thương mại có hầu như tất cả mọi thứ).

4. Làm câu nói thêm sinh động, giàu hình ảnh

Thành ngữ thường không mang nghĩa đen mà muốn truyền tải nghĩa bóng thông qua nghệ thuật ẩn dụ (gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng) hoặc hoán dụ (gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nhiều nét gần gũi với nhau). Vì vậy, sử dụng thành ngữ trong văn nói giúp câu nói có màu sắc, gợi hình hơn, giúp tăng sự chú ý và hứng thú của người nghe, từ đó nâng cao hiệu quả giao tiếp.

Ví dụ 1: Để chỉ hành động được thăng tiến trong công việc, thay vì nói “be promoted”, có thể sử dụng idiom “move up the career ladder”, làm người nghe hình dung hình ảnh một nhân viên đang bước những bước cao hơn trong nấc thang sự nghiệp, giúp câu văn trở nên giàu hình ảnh, sinh động hơn.

Ví dụ 2: Để nói một người tự làm việc gì gây hậu quả xấu cho bản thân, hay tự chuốc họa vào thân, thay vì nói “What he did will cause him serious harm” (Những gì anh ta đã làm sẽ gây ra tổn hại nghiêm trọng cho anh ta), có thể sử dụng idiom “dig somebody’s own grave” (tự đào mồ chôn ai) để làm câu văn tăng sức gợi, kích thích sự liên tưởng của người nghe.

  • He has dug his own grave.
    (Anh ấy đã tự đào mồ chôn chính mình) 

5. Thể hiện thái độ của người nói

Một sự việc có thể được diễn tả bởi nhiều thành ngữ khác nhau. Tuy nhiên, mỗi thành ngữ lại mang một sắc thái nghĩa khác nhau, do đó thể hiện các thái độ khác nhau của người nói đối với sự việc.

Ví dụ: Cả hai idoms “to lie at rest”“to kick the bucket” đều có nghĩa là “to die” (chết).

Nhưng nếu như lie at rest” có nghĩa là an nghỉ, là cách nói giảm nói tránh để thể hiện sự tôn trọng của người nói với người đã mất, thì kick the bucket” lại là cách nói suồng sã, có thể bị coi là thiếu tôn trọng. Vì vậy, tùy vào việc người nói sử dụng idiom “lie at rest” hay “kick the bucket” mà người nghe có thể hiểu được thái độ của người nói đối với cái chết, điều mà động từ “to die” không truyền tải được.

6. Thể hiện bản sắc văn hóa cá nhân hoặc giúp hòa nhập với một cộng đồng

Một số idioms trong Tiếng Anh là cách diễn đạt đặc trưng của một hay một số vùng miền, quốc gia nhất định.

Ví dụ:

“A dog’s breakfast” là idiom được sử dụng ở Vương Quốc Anh, chỉ cảnh hỗn loạn, tình trạng hỗn độn.

  • She’s made a real dog’s breakfast of that exhibition.
    (Cô ấy đã gây ra một cuộc hỗn loạn thực sự ở buổi triển lãm).

“That dog won’t hunt” là idiom được sử dụng ở Mỹ, mang nghĩa rằng một kế hoạch sẽ thất bại. 

  • As he faced the blank stares of the teammates following his suggested plan, someone whispered: “Well, that dog won’t hunt.” 
    (Khi anh ấy đối mặt với những cái nhìn trống rỗng của các đồng đội sau kế hoạch đề xuất của mình, một người nào đó đã thì thầm: “Chà, kế hoạch này sẽ thất bại thôi”).

Do đó, cách sử dụng idiom có thể thể hiện bản sắc văn hóa của một cá nhân, hoặc giúp một cá nhân hòa nhập nhanh hơn với một cộng đồng mới bằng cách thể hiện mình am hiểu về văn hóa của họ thông qua việc sử dụng các idioms đặc trưng.

III. Idioms trong IELTS Writing Academic

1. Văn viết học thuật (Academic Writing) là gì?

Văn viết học thuật (Academic Writing) là một thể loại văn viết được sử dụng trong nghiên cứu. Có nhiều loại viết học thuật, từ các bài phê bình tài liệu, các bài báo nghiên cứu đến các bản tóm tắt và báo cáo thí nghiệm.

Các đặc điểm của viết học thuật:

  • Ngôn ngữ trang trọng.
  • Nội dung khách quan, rõ ràng, có tính đơn nghĩa, được xây dựng dựa trên các lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể.

2. Nguyên nhân không nên dùng thành ngữ trong văn viết học thuật

– Ảnh hưởng đến tính trang trọng của văn viết học thuật

Theo từ điển Cambridge, ngôn ngữ trang trọng là ngôn ngữ được sử dụng trong các tình huống cần sự nghiêm trang hoặc liên quan đến những đối tượng mà ta không biết rõ. Ngôn ngữ không trang trọng được sử dụng phổ biến hơn trong các tình huống giao tiếp thoải mái, thân mật hàng ngày và liên quan đến các đối tượng mà ta biết rõ.

Trong tiếng Anh, thành ngữ được xác định là loại ngôn ngữ không trang trọng (informal language), trong khi viết học thuật yêu cầu ngôn ngữ trang trọng (formal language), vì vậy không nên dùng thành ngữ trong viết học thuật.

Ví dụ: Trong văn nói, có thể diễn đạt “The traffic noise really gets on my nerves.” (Tiếng ồn giao thông thực sự làm tôi lo lắng.), nhưng trong văn viết, cần diễn đạt nội dung trên bằng ngôn ngữ trang trọng. Vì vậy, nên viết là “The traffic noise is irritating.”

Gây hiểu lầm cho người đọc

Văn viết học thuật yêu cầu ngôn từ sử dụng phải rõ ràng, không đa nghĩa để tránh gây hiểu lầm cho người đọc. Tuy nhiên, đặc điểm của thành ngữ là mang nghĩa bóng, người đọc không thể hiểu được điều người viết muốn truyền tải dựa vào nghĩa đen của các từ trong thành ngữ.

Ví dụ: Cụm từ “a piece of cake” có nghĩa đen là một miếng bánh, nhưng thành ngữ “a piece of cake” chỉ một việc rất dễ dàng để thực hiện.

Vì vậy, nếu người viết viết “The exam was a piece of cake”, người đọc có thể hiểu đúng rằng bài kiểm tra rất dễ, hoặc có thể hiểu lầm rằng bài kiểm tra là một miếng bánh.

3. Một số thành ngữ có thể bị coi là xúc phạm văn hóa

Một số idioms có nguồn gốc từ văn hóa, từ đặc điểm của một vùng miền, một quốc gia. Tuy nhiên, đặc điểm văn hóa được nhắc đến trong một số thành ngữ không nhằm mục đích trân trọng bản sắc văn hóa của quốc gia đó mà nhằm mục đích hài hước. Đây có thể bị coi là xúc phạm đối với người bản xứ, ngay cả trong trường hợp người viết không thực sự cố ý xúc phạm văn hóa của địa phương nào.

Ví dụ 1: “Walkabout” là một nghi thức quan trọng của thổ dân Úc, nam giới sẽ sống ở nơi hoang dã trong khoảng thời gian sáu tháng để trở thành người trưởng thành. Tuy nhiên, thành ngữ “go walkabout” lại được sử dụng một cách hài hước, chỉ một đồ vật đã bị mất. 

  • My ruler was here 10 minutes ago but it seems to have gone walkabout. 
    (Cái thước của tôi đã ở đây 10 phút trước nhưng có vẻ như nó đã đi đâu mất rồi).

Ở trường hợp này, một số người dân Úc có thể coi câu văn này là xúc phạm.

Ví dụ 2: Pardon my French” là idiom được sử dụng khi một người đang tỏ vẻ xin lỗi vì đã sử dụng một từ có thể bị coi là xúc phạm. Sử dụng idiom này có thể gây khó chịu cho người Pháp do nó khiến họ có cảm giác bị coi thường, ngay cả khi người dùng không có ý định đó.

Các cuộc hội thoại hàng ngày thường mang tính chất riêng tư, người nói tự do bày tỏ quan điểm cá nhân nên việc lựa chọn từ ngữ, bao gồm các thành ngữ tế nhị, là thuộc quyền tự do của người nói. Tuy nhiên, điều này không được chấp nhận trong viết học thuật vốn yêu cầu tính khách quan.

Qua bài viết trên, Anh Ngữ UEC đã chỉ ra các cách sử dụng thành ngữ (Idioms) trong ngôn ngữ nói để phục vụ cho sáu mục đích chính:

  • Thể hiện ý tưởng phức tạp một cách đơn giản
  • Nhấn mạnh ý tưởng
  • Thêm sự hài hước cho câu nói
  • Làm câu nói thêm giàu hình ảnh
  • Thể hiện thái độ của người nói
  • Thể hiện bản sắc văn hóa cá nhân
  • Giúp hòa nhập với một cộng đồng.

Dù rất có ích trong văn nói nhưng Idioms không được khuyến khích sử dụng trong văn viết học thuật để đảm bảo tính tính trang trọng của bài viết, tránh gây hiểu lầm hay xúc phạm người đọc. Qua bài viết, tác giả hy vọng người đọc đã có cái nhìn tổng quan về thành ngữ, cách áp dụng thành ngữ trong văn nói để tối đa hiệu quả giao tiếp và nguyên nhân vì sao phạm vi sử dụng của thành ngữ không bao gồm văn viết học thuật (Academic Writing) nói chung và IELTS Writing nói riêng.

DMCA.com Protection Status